Giáo dục và Đời sống – Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, trong năm 2023, đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Dù đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng ngành giáo dục và các nhà trường không thể chậm trễ.
Chương trình phát thanh do chính các bạn học sinh thực hiện là nội dung mà Nguyễn Phú Hưng, học sinh THPT tại quận Long Biên, Hà Nội mong chờ trong mỗi tiết chào cờ đầu tuần. Đây là nơi mà Hưng và các bạn có thể gửi gắm những tâm tư, chia sẻ giấu tên, khi việc tiếp cận các phòng tham vấn tâm lý vẫn còn khá xa lạ:

“Em nghe thấy rất nhiều các trường khác bên Hà Nội rồi nhưng trường em chưa có phòng như thế. Thời đại 4.0 có khá nhiều xích mích bạn bè, với cả tâm lý bọn em chưa ổn định ở độ tuổi này, nên em nghĩ bất cứ ai cũng sẽ cần. Chuyên gia tâm lý sẽ có cái nhìn bao quát hơn về cả hai phía để có những lời khuyên tốt nhất cho học sinh”, Hưng chia sẻ.
Giống như Hưng, nhiều học sinh ở các cấp học cũng lạ lẫm với khái niệm phòng tham vấn tâm lý học đường:
“Em nghĩ là trường em có, nhưng em chưa bao giờ gặp vấn đề về tâm lý nên chưa đến đó sử dụng bao giờ. Em không biết phòng đấy hỗ trợ được gì cho học sinh”.
“Phòng tham vấn tâm lý học đường em đã từng nghe rồi, nhưng trường em chưa có phòng đấy. Em nghĩ cũng cần thiết, nhưng em thấy các cán bộ trong những phòng đó bây giờ chưa được sát sao lắm”.
Tại Trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, bà Thẩm Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã được nhà trường quan tâm thực hiện, xây dựng phòng tham vấn riêng. Tuy nhiên, nhân sự cho vị trí này là một khó khăn.
“Vì không có giáo viên chuyên biệt nên phải sử dụng giáo viên ở các bộ môn hóa học và sinh học. Cũng có lúc các cô đang có tiết dạy chẳng hạn, việc trả lời không được cập nhật ngay lúc bấy giờ. Để hiệu quả hơn nữa thì cấp trên phải giao chỉ tiêu về mảng tư vấn học đường, việc giải đáp kịp thời và có tính chuyên sâu hơn”, bà Lý cho hay.
ThS. Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho rằng, vấn đề mấu chốt trong công tác tham vấn học đường hiện nay là không có biên chế cho cán bộ chuyên trách, vị trí mà giáo viên kiêm nghiệm dù làm tốt nhưng cũng không thể thay thế.

“Các trường dùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên công tác đoàn, tập huấn cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, nó là một nghề cần phải được học, phải có kỹ năng, kinh nghiệm. Giải quyết được các mối quan hệ giữa học trò với học trò đã là tốt lắm rồi, còn học trò với thầy, ví dụ cách ứng xử của thầy chưa phù hợp thì bây giờ biết nhờ cậy ai? Chuyên gia tâm lý như những người bạn, những người ở giữa “phân xử”, họ có những kỹ năng để giúp các “cư dân” trong học đường giải quyết các vấn đề của họ”, ThS. Lê Thị Loan cho biết.
Cũng nhìn nhận con người là yếu tố hàng đầu trong hoạt động tham vấn tâm lý, nhưng TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công nhấn mạnh vào trách nhiệm của nhà quản lý các cấp.
“Có rất nhiều trường đã thành lập các phòng tham vấn tâm lý học đường, tuy nhiên việc khai thác chưa hiệu quả, thậm chí nhiều trường chưa quan tâm, chưa đề cao. Điều quan trọng nhất là phải có pháp chế, thể chế rõ ràng, đưa công tác tham vấn học đường là những hoạt động bắt buộc, cần có biên chế chính thức tính trên số lượng học sinh. Ngay cả một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây có tỷ lệ trẻ em tự tử rất cao, chính phủ của họ đã phải thay đổi và quan tâm cho tâm lý học đường”, TS Vũ Việt Anh nói.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, chủ trương thực hiện các phòng tham vấn tâm lý học đường là đúng đắn, nhưng việc thực hiện thiếu tâm huyết hoặc quy trình chưa đúng dẫn đến không hiệu quả ở một số nơi.
Nếu không có nguồn lực vật chất đầy đủ được đề cập trong kế hoạch tài chính của nhà trường thì rất khó để duy trì liên tục. Nhiều trường lại lấy phòng tham vấn tâm lý sử dụng cho mục đích khác, không gian không còn đảm bảo tính bí mật, không đem đến cảm giác an toàn cho học sinh, khiến nhiều em ác cảm với phòng tham vấn như là nơi tra hỏi, xử phạt hay chữa bệnh.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng: “Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã có báo cáo đánh giá hiệu quả chủ trương xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường, tuy nhiên kết quả chưa được công bố chính thức, chúng ta có thể chưa trung thực với chính bản thân khi nhìn nhận thực trạng để kịp thời đưa ra giải pháp. Bây giờ chúng ta cần áp dụng khoa học triển khai từ một chính sách, chủ trương trên mô hình lý thuyết vào thực tế từng địa phương sẽ gặp khó khăn, vướng mắc gì, sau đó có quyết tâm để giải quyết các điểm nghẽn đấy”.
Thông tư 31 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa công tác tư vấn tâm lý đi vào trường học. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, hoạt động này chỉ mang tính hình thức, chưa hiệu quả ở nhiều nơi.
Trong bối cảnh bạo lực học đường vẫn nhức nhối, tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự tử ở mức báo động thì ngành giáo dục, nhà trường và các địa phương cần có những “bước đi” cụ thể, ngay lập tức, thay vì nói mãi về những khó khăn hay nuối tiếc về sự chậm trễ.
