Giáo dục và Đời sống – Tháng 7 năm nay ghi dấu kỷ lục nóng nhất của hành tinh cho đến nay, nóng nhất trong khoảng 120.000 năm qua.

Khi những vùng đất rộng lớn của ba lục địa bị thiêu đốt dưới nhiệt độ kỷ lục và các đại dương nóng lên đến mức chưa từng thấy, các nhà khoa học từ hai cơ quan khí hậu toàn cầu cho biết, tháng 7.2023 là tháng nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh cho đến nay.
Nền nhiệt trong tháng 7 khắc nghiệt đến mức “hầu như chắc chắn” tháng này sẽ phá vỡ các kỷ lục “với một biên độ đáng kể” – Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết trong một báo cáo hôm 27.7.
Theo báo cáo, thế giới vừa trải qua ba tuần nóng nhất từng được ghi nhận – và gần như chắc chắn là trong khoảng 120.000 năm qua.
Nhiệt độ trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 trung bình là 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 16,63 độ C được thiết lập vào tháng 7.2019.
Dữ liệu được sử dụng để theo dõi các bản ghi này có từ năm 1940, nhưng theo nhiều nhà khoa học – bao gồm cả các chuyên gia ở Copernicus – gần như chắc chắn đây là nền nhiệt nóng nhất mà hành tinh từng thấy trong 120.000 năm qua, dựa trên những gì biết được từ hàng thiên niên kỷ dữ liệu khí hậu được trích xuất từ vòng cây, rạn san hô và lõi trầm tích biển sâu.
Samantha Burgess, phó giám đốc Copernicus, nói đây là nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử loài người. Tất cả tạo nên một mùa hè nóng nực ở Bắc bán cầu – có khả năng là một mùa hè chưa từng có.
Khi nhiệt độ tăng lên trên 50 độ C ở các vùng của Mỹ đã dẫn đến các ca tử vong do sốc nhiệt.
