Giáo dục và Đời sống – Rạp chiếu phim Hòa Bình là rạp chiếu phim Nhà nước duy nhất, lâu đời nhất ở Quảng Ngãi, trở thành một phần hoài niệm của bao thế hệ người Quảng Ngãi, song vì hoạt động không hiệu quả, bị bỏ hoang nhiều năm, rạp vừa được đưa ra bán đấu giá thành công. Nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì trong thời gian tới, Rạp Hòa Bình sẽ không còn tồn tại.
Như Báo Lao Động đã đưa tin, Rạp chiếu phim Hòa Bình ở địa chỉ tại số 21 (số cũ 6) đường Duy Tân, phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi, đã được đấu giá thành công ở mức hơn 33 tỉ đồng, cao hơn gần 10 tỉ đồng so với giá khởi điểm là hơn 23,6 tỉ đồng. Người trúng đấu giá là bà Đ.T.N.B, sinh năm 1992, thường trú tại tỉnh Sóc Trăng. Người này chi hơn 33 tỉ đồng để giành quyền sử dụng khu đất thương mại dịch vụ hiện là Rạp chiếu phim Hòa Bình trong 49 năm.

Việc Rạp Hòa Bình được mang ra bán đấu giá thành công, tạo được nguồn thu cho ngân sách, được nhiều người đồng thuận, vì nhiều năm nay, rạp phim không còn phát huy công năng do không theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường, tuy nhiên, nhiều người Quảng Ngãi cũng bày tỏ cảm xúc nuối tiếc khi trong thời gian tới, Rạp Hòa Bình có tuổi đời 73 năm bị phá bỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, một người con Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Ít công trình nào mà hầu hết người dân lớn tuổi ở Quảng Ngãi năm xưa gắn nhiều kỷ niệm như Rạp Hòa Bình. Với người xa quê, cảm xúc lớn hơn người ở lại khi những lần về quê họ không xác định được vị trí, vì thành phố thay đổi quá nhiều, họ tìm những mốc cũ như rạp phim, chợ, nhà thờ, sân banh, cầu Trà Khúc để định vị và hồi ức… Mong Rạp Hòa Bình còn tồn tại tới Tết Nguyên đán 2024, để về chụp một tấm hình kỷ niệm”.
Bà Võ Thị Xuân Yến ở TP.Quảng Ngãi chia sẻ: “Trước đây, tôi từng làm việc ở Rạp Hòa Bình, là thuyết minh phim chính của rạp nên có rất nhiều kỷ niệm. Thời điểm vàng son, có ngày rạp chiếu từ 5 đến 6 suất phim, với dòng người xếp hàng từ phòng bán vé nối đuôi dài gần đến cổng chợ để mua cho được cái vé vào xem.
Lúc bấy giờ, công ty chiếu bóng có nguồn nộp ngân sách lớn nhất cho tỉnh Quảng Ngãi. Suất phim nào cũng kín người nên phải bán thêm ghế súp. Sau này do cơ chế thị trường, mỗi nhà có mỗi chiếc tivi, nên rạp bắt đầu thưa khách, dần ọp ẹp, mỗi ngày một suất chiếu có 10 đến 15 khách đến xem, cố duy trì mãi rồi đóng cửa hẳn”.
