Giáo dục và Đời sống – PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng – đánh giá, sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho sự phát triển của nền kinh tế được thể hiện rõ nhất qua lịch trình làm việc “hầu như không có ngày nghỉ”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính – cho hay, chưa bao giờ như trong khoảng 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp lên tiếng, phản ánh nhiều về những khó khăn, vướng mắc đang phải đối mặt. Trong đó, chủ yếu là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định.
Đặc biệt khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch và bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga – Ukraina, những bất cập này càng gây bức xúc lớn hơn. Trong bối cảnh trên, Chính phủ đã ra tay gỡ rối một cách rất quyết liệt và cực kỳ mạnh mẽ.
“Việc đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện rõ nét thời gian qua. Từ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cho đến việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, thực hiện chính sách giãn, hoãn thuế. Chính sách về miễn, giảm 39 phí, lệ phí…
Rõ ràng đây là những chính sách thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Trên cơ sở đó thúc đẩy doanh nghiệp hồi phục, tăng trưởng tốt hơn.
Việc đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân cũng được thể hiện rõ qua việc, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định nhằm giải quyết tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế trong bệnh viện”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) – nhận định, nhiều quyết sách thời gian qua đã thể hiện sự sâu sát, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.
Ông Phạm Văn Hoà dẫn chứng việc cháy nổ những năm gần đây gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, vì thế phòng cháy chữa cháy (PCCC) được siết chặt. Tuy vậy, sự quản lý của các cơ quan chức năng và các quy định quá chặt chẽ, thậm chí chồng chéo, khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng.
“Vì thế, Chính phủ đã tháo gỡ về các quy định, cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ PCCC đến quản lý doanh nghiệp. Đảm bảo các hướng dẫn mang tính cụ thể để doanh nghiệp có thể thực thi được các chế tài theo quy định”, ông nói.
Ông Phạm Văn Hoà dẫn chứng thêm về việc Chính phủ mới đây đã đưa ra Chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỉ đồng.
Theo ông Hoà, đây là chính sách thiết thực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội.
“Gói 120 nghìn tỉ sẽ là “bà đỡ” cho hàng triệu công nhân, người thu nhập thấp. Khi người lao động “an cư, lạc nghiệp”, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng sẽ được hưởng lợi”, đại biểu Phạm Văn Hoà chia sẻ thêm.
