(Giáo dục&Đời sống) – Ngày 21/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) đã tổ chức hội thảo tổng kết thực hiện dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” với sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF) từ tháng 9/2020 – tháng 8/2021 nhằm mục đích tăng cường tiếp cận tư pháp và hỗ trợ tư pháp cho trẻ em và gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục tại Hà Nội.
Tình hình xâm hại tình dục trẻ em nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng trong thời gian qua đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp cả về độ tuổi của trẻ em bị xâm hại và tính chất mức độ xâm hại; trẻ em nam và trẻ em nữ đều có nguy cơ trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên quy định về tố tụng thân thiện, chăm sóc và hỗ trợ y tế đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục chưa được quy định cụ thể; thực trạng tình hình triển khai quy trình, nội dung tố tụng thân thiện chăm sóc và hỗ trợ y tế đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục còn nhiều bất cập.
Dự án triển khai tuy còn gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây trở ngại cho việc triển khai các hoạt động, số lượng trẻ em và gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục biết tìm sự hỗ trợ còn ít…Nhưng với nỗ lực mong muốn mọi trẻ em đều được lớn lên an toàn dự án đã thu hút được sự quan tâm của gia đình và cộng đồng.
Chiến dịch truyền thông xã hội nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội
Năm 2021, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội”, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) phối hợp cùng Viện MSD tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông “Con an toàn – Cha mẹ ở ngay đây” từ ngày 25/3 – 25/4/2021 nhằm cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt cha mẹ về nâng cao nhận thức của gia đình, người chăm sóc trẻ, nhà trường, các cán bộ xã hội, cán bộ nhà nước và cộng đồng về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, và hỗ trợ y tế pháp lý khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục; giúp các bậc cha mẹ cũng hiểu hơn về quy trình tiếp cận dịch vụ y tế khám thương ban đầu.

Phát biểu khai mạc chương trình và phát động chiến dịch, Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch VACR chia sẻ: “Trong những năm gần đây, dù chúng ta đã ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan và ban ngành trong việc ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em nhưng còn rất nhiều vụ việc có tính chất phức tạp diễn ra gây bức xúc trong dư. Những hành vi xâm hại này sẽ để lại những vết thương cả về thể xác, tâm lý và tinh thần dai dẳng đối với nạn nhân, đặc biệt là khi các em còn ở độ tuổi rất nhỏ. Trong đó, việc truyền thông còn chưa hiệu quả, nhiều người dân còn chưa biết cách hướng dẫn con em mình tự bảo vệ bản thân cũng như hỗ trợ y tế và pháp lý khi không may bị xâm hại. Vì vậy, thông qua chiến dịch Con an toàn – Cha mẹ ở ngay đây, chúng ta hãy cùng nhau Chung tâm – Chung sức – Chung trí, nỗ lực để mọi trẻ em đều được lớn lên an toàn, không em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau.”
Chiến dịch Con an toàn – cha mẹ ở ngay đây sẽ tiếp diễn với chuỗi hoạt động: Tọa đàm với chuyên gia, Sự kiện truyền thông cộng đồng, Giới thiệu các ấn phẩm truyền thông như Cẩm nang dành cho cha mẹ, phim hoạt hình dành cho trẻ em, truyền thông mạng xã hội,…
Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Đương đầu hay thoả hiệp?”
Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Đương đầu hay thoả hiệp?” là sự kiện tổng kết các hoạt động cũng như kết quả của chiến dịch, được phát sóng trực tiếp trên fanpage MSD Vietnam, Lan tỏa yêu thương và Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam.

Trong suốt 1 tháng, các tin tức, bài chia sẻ, sự kiện truyền thông cả trực tuyến và trực tiếp đã diễn ra liên tiếp tại trung tâm Hà Nội, Chương Mỹ, Ba Vì, Hà Đông… với kết quả vô cùng ấn tượng. Gần 300 người tham dự trực tiếp và tới nay có hơn 30.000 lượt tiếp cận trực tuyến trên hai trang Facebook MSD Việt Nam và Lan tỏa yêu thương. Vượt chỉ số 21.000 người tiếp cận trực tiếp và gián tiếp thông qua hoạt động truyền thông.
Khuyến nghị để mọi trẻ em được lớn lên an toàn
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành xây dựng dự thảo Khuyến nghị và tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em vào ngày 26/11/2021 với 80 đại biểu tham dự và có 15 ý kiến đóng góp để cùng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng thân thiện và hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế công cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường tính hiệu quả trong hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em bị xâm hại tình dục trong và sau quá trình tố tụng.

Có một thực trạng đang diễn ra phổ biến là tuy rất nhiều vụ việc đã được trình báo và tố tụng nhưng sau đó lại có xu hướng chìm đi hoặc kéo dài. Điều này khiến gia đình và nạn nhân cảm thấy nản chí và không muốn tiếp tục.
Pháp luật về tố tụng hình sự chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục tố tụng thân thiện riêng đối với các vụ án có trẻ em là người tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại, người làm chứng.
Sự phối hợp giữa cơ quan liên quan đến tố tụng hình sự và cơ quan chăm sóc và hỗ trợ y tế đối với Trẻ em là người bị hại còn hạn chế, chưa có hướng dẫn cụ thể. Không có báo cáo cụ thể nào về công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với trẻ em bị xâm hại tình dục.
Hơn 70% người tham gia nghiên cứu được hỏi đánh giá rằng: việc chưa có quy định pháp luật riêng về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của trẻ em gây khó khăn cho công tác giám định pháp y đối với trẻ bị xâm hại tình dục
Cần cụ thể hơn nữa về nội hàm “thân thiện” của phòng khám giám định; cũng cần hỗ trợ thêm thông qua tập huấn đối với người giám định về tâm lý, cách tiếp cận Trẻ em; sử dụng ngôn ngữ thân thiện với Trẻ em.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã tư vấn pháp luật và tâm lý: 16 ca, số lượng ca đã được hỗ trợ tại tòa: 04 ca
Hành trình xây dựng lá chắn an toàn cho mọi trẻ em là một hành trình dài, khó khăn và cần sự nỗ lực, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Nhưng hãy luôn nhớ rằng các cha mẹ không bao giờ đơn độc. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội vẫn luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các gia đình trên hành trình này.