Giáo dục và Đời sống – “Tăng trưởng xanh” và “Chuyển đổi số” ngày càng đóng vai trò quan trọng, là ưu tiên và xu thế phát triển vượt trội trong tương lai của các quốc gia.
Chiều 17/3, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2023 (lần thứ 3) với chủ đề “Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững”. Dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên; 20 Đại sứ quán, Lãnh sự quán và gần 20 đại diện lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cùng hơn 300 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, “Tăng trưởng xanh” và “Chuyển đổi số” ngày càng đóng vai trò quan trọng, là ưu tiên và xu thế phát triển vượt trội trong tương lai của các quốc gia. Tại Việt Nam, việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, kéo theo các thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo ông Hà Kim Ngọc, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhiều chính sách, hành động hướng tới mục tiêu trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Việt Nam cũng cần nguồn lực tài chính lớn, tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, tài chính xanh, công nghệ, tri thức cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Diễn đàn này là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối thoại, thảo luận tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, vào quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam.
“Việt Nam mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ về nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về thị trường, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị phát triển xanh, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tăng cường kết nối với các đại diện các ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tham dự sự kiện, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần tất cả đều thắng, với phương châm lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của các Chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và bứt phá vươn lên. Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21. Việt Nam cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.
