Giáo dục và Đời sống – Cơ quan Cảnh sát điều tra cáo buộc cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng là đồng phạm vụ án khai thác trái phép 1,3 triệu tấn quặng apatit với vai trò giúp sức.
Ông Doãn Văn Hưởng – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai
Kết luận điều tra vụ khai thác “chui” hàng triệu tấn quặng apatit chỉ rõ, bị can Doãn Văn Hưởng trên cương vị là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký nhiều văn bản trái pháp luật, không đúng thẩm quyền.
Theo đó, tháng 9.2011, Công ty Apatit Việt Nam có văn bản xin khai thác tận thu quặng apatit tại diện tích 3,77ha nhận bàn giao từ Công ty Lilama theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai.
Ngày 28.9.2011, Doãn Văn Hưởng đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Apatit Việt Nam, trong đó có nội dung: “UBND tỉnh Lào Cai ủng hộ Công ty Apatit Việt Nam thực hiện khai thác tận thu quặng apatit tại khu vực 3,77ha nêu trên, song cần đảm bảo thực hiện đúng quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản”.
Ngày 30.5.2012, Công ty Lilama tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai xin giao lại diện tích đất 3,77ha và xin cấp lại giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai để tiến hành xây dựng dự án trên diện tích 3,77ha.
Tuy nhiên, khi đó, Doãn Văn Hưởng đã không có ý kiến việc cho dừng đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản mà thống nhất đồng ý chủ trương cho Công ty Lilama đầu tư xây dựng dự án khách sạn.
Ngày 29.3.2013, Doãn Văn Hưởng ký các Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 3,77ha để thực hiện dự án, phê duyệt cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhờ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng “tiếp tay”, bãi đất hoang này được “vẽ” lên dự án nghỉ dưỡng nhằm mục đích khai thác quặng trái phép. Ảnh: Bảo Nguyên
Bản thân bị can Hưởng biết việc cho phép Công ty Lilama thu gom quặng apatit trong quá trình thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng là sai nhưng vẫn ký văn bản để cho doanh nghiệp này khai thác trái phép khoáng sản tại dự án khách sạn, nhà hàng thuộc khai trường 18.
Đặc biệt, khi các sở, ngành tham mưu, soạn thảo, trình các văn bản không đúng quy định pháp luật, bị can Doãn Văn Hưởng đã không ngăn chặn, không chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Từ năm 2013 đến 2015, Công ty Lilama đã khai thác, tiêu thụ trái phép tại Khai trường 18 tổng số lượng quặng apatit là hơn 1,3 triệu tấn, có trị giá là hơn 517 tỉ đồng.
Do vậy, đã làm mất nguồn tài nguyên dự trữ khoáng sản quặng apatit của quốc gia, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra đánh giá, hành vi của bị can Doãn Văn Hưởng là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm hoạt động của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Quá trình điều tra, ông Doãn Văn Hưởng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị can đã cùng gia đình tự nguyện nộp số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.