Coachella – Lễ hội thời trang với sự đa dạng đã trở lại. Sau 2 năm đại dịch làm gián đoạn, lễ hội Coachella tại California thu hút hơn 250 nghìn người tham gia đã được mở vào tuần này, với những xu hướng mới mẻ và được coi là “gói giải cứu” lớn cho ngành thời trang
Coachella là sự kiện thời trang thời thượng nhất trong mùa du lịch, lễ hội thời trang này được biết tới với những bộ trang phục đi kèm những màn trình diễn đặc sắc. Xu thế cho thời trang trong năm thường được ấn định bởi những trang phục do các nhân vật có tiếng như Kendall Jenner, Katy Perry, và Gigi Hadid trình diễn.

Đối với các nhãn hàng thời trang , Coachella là một sự kiện hết sức quan trọng. Các nhãn hiệu thời trang nhanh thuộc sở hữu của Boohoo, Pretty Little Thing, hay những trang web kinh doanh thời trang dạo phố như StockX hay những nhà bán lẻ cho GenZ có trụ sở tại Hoa Kỳ đều sẽ tài trợ cho các khu vực tại lễ hội nhằm quảng cáo tới người tham dự trực tiếp lẫn những người xem online qua mạng xã hội.
Ebony-Renee Baker – biên tập viên thời trang của trang Refinery29 mô tả đây là “một cơ hội thương mại lớn cho các thương hiệu nổi tiếng, hiện tại Coachella đã trở nên rất lớn và được quan tâm ở khắp nơi trên thế giới”.

Các lễ hội từ lâu đã có ảnh hưởng đến thời trang, kể từ lễ hội thời trang Woodstock vào năm 1969. Trong nhiều năm qua, hình ảnh của những tay đua hay hình ảnh siêu mẫu Kate Moss xuất hiện ở Glastonbury đã khiến những bộ đồ thể thao trở thành mốt. Gần đây, xu hướng lễ hội đã khiến những trang phục như áo len đan móc và quần short đi xe đạp trở thành phong cách, xu hướng của mùa hè. Cũng đã có những trang phục gây tranh cãi, chẳng hạn như vào năm 2017, xu hướng trang phục kiểu người Mỹ bản địa dẫn đến những tuyên bố chiếm đoạt văn hóa.
Những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng có thể kiếm được những khoản tiền đáng kể. Maryam Ghafarinia – người sở hữu 186.000 người theo dõi trên Instagram đã chia sẻ với New York Post về cách cô ấy kiếm tiền từ việc tham dự Coachella. Các thương hiệu đã phải trả tới 2.000 đô la cho mỗi bài đăng lên mạng xã hội của các KOLs hay Fashionista nổi tiếng.
Amy Luca – phó chủ tịch cấp cao của Media.Monks, một công ty dịch vụ quảng cáo và tiếp thị toàn cầu cho biết những khoản chi này bị ảnh hưởng bởi các nhãn hàng nổi tiếng: “Khi bạn muốn hợp tác với một người mẫu hay ngôi sao truyền hình thực tế nổi tiếng, thì chi phí phải bỏ ra có thể cao tới hàng trăm nghìn đô la. ”
Theo Baker, mùa lễ hội giúp mọi người có cơ hội thử các phong cách thời trang mới lạ. Phong cách cổ điển thập niên 90, váy vải tuyn, hoạ tiết balletcore, váy hoa, mũ rơm, các thiết kế ren sẽ được sử dụng nhiều trong thời trang năm nay.
Các thương hiệu thời trang nhanh biết rằng mùa lễ hội chính là thời điểm vàng để người tiêu dùng chi tiêu.
Theo Business of Fashion, doanh số bán các mặt hàng thời trang vào mùa lễ hội trên các trang như Boohoo, H&M, Asos hay Nasty Gal đã tăng 173% so với năm 2019. Baker cũng cho biết: “Nhiều người tiết kiệm tiền bằng việc mua sắm đồ cũ. Bản thân tôi cũng rất thích diện những bộ đồ mới vào các dịp lễ, nhưng tôi luôn lựa chọn việc tìm mua đồ cũ trước thay vì lựa chọn mua một bộ đồ mới hoàn toàn”.
Philippa Grogan – nhà tư vấn thời trang bền vững và dệt may gọi thời trang mùa lễ hội là “niềm vui tức thì”, giống như mặc váy Giáng sinh vào mùa hè. Điều này khiến cô tự hỏi “Quần áo có được thiết kế với mục đích lâu dài hay không? Trên thực tế, vải kim tuyến và vải sợi thường có nguồn gốc chủ yếu từ các vật liệu hoá thạch như dầu và khí tự nhiên, về cơ bản thì các vật liệu này đều là nhựa”.
Từ đó, Grogan đưa ra gợi ý: “Cắt kim sa ra khỏi những trang phục cũ, dùng chúng để tô điểm những bộ đồ khác. Sự sáng tạo sẽ giúp ích cho thời trang bền vững. Bạn sẽ luôn có những bộ đồ độc đáo nếu thực sự biết tận dụng và sáng tạo những thứ bạn đang có”.
Bảo vệ môi trường, hướng đến thời trang bền vững là xu hướng chung trên toàn thế giới.